Làm gì khi bị dị ứng phấn hoa ở Nhật?

Nationwide VĂn hoÁ Du lịch mùa xuân 2020.03.09
Từ máy bay bước xuống sân bay Narita tráng lệ, bạn háo hức hít một hơi thật sâu bầu không khí trong lành của đất nước Nhật Bản và rồi… ẮT XÌ! Phấn hoa ùa vào mặt bạn như một cơn lốc vô hình, mắt bạn bỗng dưng ngứa điên cuồng, nước mũi thì chảy… Thoáng chốc sự hứng khởi nhường chỗ cho cảm giác mệt mỏi khó chịu; thật là một khởi đầu tồi tệ cho chuyến đi Nhật trong mơ của bạn! Phải làm gì để thời gian ở Nhật không thành một thảm họa? Đeo khẩu trang? Uống thuốc trị dị ứng phấn hoa? Hay ngồi yên trong khách sạn cho an toàn? (hy vọng sẽ không đến mức phải vậy!) Bài viết này tổng hợp các mẹo đơn giản và hiệu quả mà bạn có thể tham khảo trong trường hợp bị dị ứng phấn hoa ở Nhật.
Dị ứng phấn hoa, hay kafunsho (花粉症) là gì?
Kafunsho (dị ứng phấn hoa) là đề tài muôn thưở được bàn tán mỗi khi mùa xuân về trên đất nước Nhật Bản. Cũng giống như các bạn, một số thành viên trong đội ngũ JAPANKURU chúng tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác dị ứng phấn hoa cho đến khi đặt chân đến Nhật. Câu chuyện là, do chính sách trồng rừng sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã trồng hàng loạt cây bách (hinoki - 桧) và cây tuyết tùng (杉 – sugi) khắp mọi miền đất nước. Sau một vài thập kỉ sinh trưởng, chúng bắt đầu thả vào trong không khí một lượng phấn hoa khổng lồ. Và vào mỗi mùa xuân, lúc nhiệt độ tăng lên đến tầm 10°C, người dân toàn nước Nhật lại được gợi nhắc đến sự tồn tại của những giống cây đó khi triệu chứng dị ứng phấn hoa xuất hiện...

Các triệu chứng dị ứng phấn hoa

  • Tại thời điểm mà dịch COVID-19 (coronavirus) hoành hành như hiện nay, thật hoang mang nếu bạn đang ở Nhật mà bỗng dưng cảm thấy trong người khó chịu với một số triệu chứng như bị cảm cúm. Vì vậy, phân biệt rõ triệu chứng của COVID-19 và dị ứng phấn hoa là cần thiết để bạn không phải quá lo lắng mà lập tức đến bệnh viện xét nghiệm và hủy toàn bộ lịch trình đi chơi của mình. Những triệu chứng thường gặp của dị ứng phấn hoa bao gồm:

    ・Nghẹt mũi, tắc lỗ thông xoang
    ・Điếc mũi
    ・Mắt bị ngứa và chảy nước, ngứa cổ họng và trên bề mặt da
    ・Nhảy mũi nhiều
    ・Nước mũi chảy

    Triệu chứng khó thở và mệt mỏi, đuối sức có thể sẽ làm bạn hơi thót tim vì khá giống với COVID-19. Điểm khác biệt chính để nhận biết là, bệnh nhân nhiễm COVID-19 sẽ kèm thêm ho khan và sốt cao, nhưng KHÔNG chảy mũi. Mặc dù việc nước mũi chảy ròng ròng suốt chuyến đi cũng không thoải mái gì cho cam, nhưng ít ra đó cũng là dấu hiệu để bạn an tâm rằng sự khó chịu mình đang gặp phải chỉ là do dị ứng phấn hoa mà thôi!
Nên làm gì khi bị dị ứng phấn hoa?
Cách hiệu quả nhất để tránh bị dị ứng là ngồi trong khách sạn và không ra ngoài, nhưng như vậy thì mất hết cả vui; phải làm gì với kế hoạch tham quan khu di tích, thắng cảnh hay dạo các con phố Tokyo, Kyoto, và nhiều nhiều nữa? Đừng lo lắng bạn nhé; vì hằng năm Nhật Bản đều phải đối diện với vấn đề này nên người dân Nhật đã tự trang bị cho mình nhiều cách thức giảm nhẹ triệu chứng dị ứng. Dưới đây là các cách mẹo đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả của người Nhật mà bạn có thể áp dụng cho riêng mình!

Khẩu trang

Ngay cả trước khi dịch COVID-19 xuất hiện thì khẩu trang vốn đã là trang bị được sử dụng thường xuyên ở Nhật Bản, đặc biệt là trong mùa cúm hay mùa kafunsho. Khẩu trang in hình nhân vật hoạt hình cho trẻ em, khẩu trang “cải thiện làn da” dành cho phụ nữ trẻ, khẩu trang tẩm hương thơm… vô vàn các thể loại khác nhau được bày bán khắp mọi nơi.

Hiện tại thì khẩu trang y tế đang cháy hàng khắp Nhật Bản (cũng như ở nhiều nước trên thế giới). Mặc dù vi rút corona không lây qua đường không khí, nhưng mọi người vẫn lùng mua khẩu trang y tế với số lượng lớn để an tâm hơn khi lưu thông trên đường phố hoặc chốn đông người.
  • Nguồn hình ảnh: PR Times

    Tuy nhiên, loại khẩu trang tốt nhất để chống dị ứng phấn hoa lại không phải là khẩu trang y tế! Những loại khẩu trang sành điệu như trong hình trên được thiết kế chuyên dụng cho kafunsho, và hứa hẹn sẽ lọc được 99% lượng phấn hoa trong không khí mà bạn hít thở mỗi ngày. Và tuyệt nhất là bạn có thể giặt lại và dùng được nhiều lần, khá là thân thiện với môi trường. Đáng để thử phải không nào?

Thuốc nhỏ mắt

  • Tương tự như khẩu trang, có RẤT NHIỀU loại thuốc nhỏ mắt khác nhau được bày bán trên thị trường Nhật Bản. Phần lớn hướng đến đối tượng dùng kính áp tròng, nhưng cũng có số lượng lớn loại thuốc nhỏ mắt chứa các nguyên liệu đặc biệt dùng để tạo cảm giác mát lạnh dễ chịu cho mắt bị mỏi, ngứa hoặc giúp bạn tỉnh ngủ hơn khi làm việc thời gian dài. Tuy vậy, những thành phần đó cũng có khả năng khiến mắt bạn khó chịu hoặc nhạy cảm hơn sau khi sử dụng. Bạn nên thử tìm loại thuốc nhỏ mắt chuyên trị dị ứng, có thể sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn mà không để lại tác dụng phụ cho mắt.

Thuốc dị ứng (Antihistamines)

  • Tất nhiên, bạn cũng có thể dùng thử các loại thuốc trị dị ứng cơ bản để đối phó với kafunsho. Nếu bạn cảm thấy cơ địa của mình dễ bị dị ứng thì hãy đến phòng khám bác sĩ trước chuyến đi để được tư vấn thêm nhé!

Cách khác để chống kafunsho

Nguồn hình ảnh: PR Times

Một mẹo mà bạn sẽ rất thường được nghe từ người Nhật là “cứ đeo mắt kính vào!” Đặt bộ kính áp tròng sang một bên, đeo lên cặp kính cận (hoặc kính mát), bạn sẽ tạo được lớp bảo vệ cản được phấn hoa bay vào mắt. Bạn cũng có thể tìm được loại kính chuyên dụng chống phấn hoa (như hình trên) tại các trung tâm thương mại hay thậm chí cửa hàng 100 yên trong khu vực.

Một vấn đề khác là phấn hoa cũng có thể bám lên quần áo của bạn suốt một ngày dài, nên mẹo cuối cùng là: mặc quần áo có bề mặt vải trơn láng! Nghe thì có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng thực chất phấn hoa rất dễ dính chặt lên lớp vải len của chiếc áo ấm bạn yêu thích, và sau đó bay thẳng lên mắt mũi bạn. Mặc một chiếc áo khoác vải dù hoặc bất cứ loại quần áo nào có bề mặt vải trơn có thể sẽ giúp bạn giảm thiểu tình trạng nghẹt, nhảy mũi và thoải mái chu du khắp Nhật Bản trong mùa kafunsho khắc nghiệt này!

Hãy chia sẻ với đội ngũ JAPANKURU chuyến du lịch Nhật Bản vào mùa xuân và trải nghiệm của bạn với dị ứng phấn hoa (nếu có) trên twitter, instagram, và facebook nhé!
Basic Info
NameCác loại bệnh dị ứng ở Nhật
Columnist
Sophia

I came to Japan for a semester abroad, and have been here ever since, so I guess there's just something about it. Tell me all the cool Japan-related things you know on instagram or twitter @japankuru !

SHOW COLUMN
    Comment
    POST
    Related Article
    Question Forum
    • PARTNERS